“Sự mất đi của TPP sẽ đem nhiều hoang mang cho các doanh nghiệp Việt Nam? Có chứ! Nó sẽ lấy đi những thuận lợi mà ta đang làm quen và bắt đầu cảm thấy rất an toàn, hài lòng, rồi hy vọng cùng với TPP”.
Thời toàn cầu biến động khi TPP đổ vỡ, Trump nắm quyền, Nhân dân tệ sụt mạnh nhất 20 năm, USD tăng giá, trào lưu dân tộc chủ nghĩa và cánh hữu lên ngôi, xu thế bảo hộ thương mại gia tăng, chủ nghĩa khủng bố không suy giảm… Những biến động này ảnh hưởng thế nào đến nhận thức của giới doanh nhân Việt về thế giới, về đường hướng và chiến lược kinh doanh trong năm 2017?
Nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu, Lan Phan Bercu, nhà sáng lập LanBercu, tác giả “36 kế trong kinh doanh hiện đại” chia sẻ với BizLIVE về kỳ vọng đối với doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ biến động này:
“Tình hình các ngành công nghiệp nặng và nhẹ dần dần được dịch chuyển sang các nước đang phát triển đã và đang làm biến mất nhiều ngành công nghiệp nặng và lấy đi rất nhiều việc làm của công dân Mỹ sống tại Mỹ. Trong cuộc tranh cử vừa qua, để chiếm thêm lá phiếu của công dân Mỹ, đặc biệt là giai cấp lao động, cả Clinton lẫn Trump đều nhấn mạnh sự phản bác về TPP. Vì thế nếu Clinton hay Trump thắng cử thì việc lung lay của TPP là điều không tránh khỏi.
Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu, thay đổi đến chóng mặt. Nếu chu kỳ và tuổi thọ thành công của một doanh nghiệp lúc trước là 50 năm; thì giờ đây còn khoảng 15 năm là tối đa. Kỹ thuật số lại càng mang đến sự thay đổi mang tính toàn cầu, vũ bão, khốc liệt và siêu tốc.
Sự lung lay của TPP và cảm giác hoang mang của doanh nghiệp Việt Nam, làm tôi nhớ đến doanh nghiệp gia đình tôi ở Mỹ. Gia đình tôi là một doanh nghiệp nhỏ – xây dựng và cho thuê trung tâm thương mại ở miền trung tây và đông nam ở Mỹ. Trung tâm thương mại gồm một “anchor” lớn; tức là một nhà bán lẻ lớn ví như Co.op Mart, Big C và chung quanh là những cửa hàng nhỏ như nhà hàng tàu, tiệm làm móng tay, tiệm làm tóc, cửa hàng bán điện thoại, tiệm bán giày… Sau gần 20 năm xây dựng uy tín và mối quan hệ với Food Lion (một chuỗi cửa hàng giống Co.opmart), thì năm 2009 đã xảy ra những phong ba bão tố.
Tôi không hiểu lắm ở Việt Nam thì xây dựng ra sao. Ở Mỹ thì phải đi tìm đất; làm các loại khảo sát; thuê mướn luật sư; đặc cọc đất; ra ngân hàng vay mượn tiền; gửi “proposal” cho khách hàng chính là “ anchor”. Sau đó, chờ “anchor” họp hội đồng phê duyệt từ hai đến ba năm. “Anchor” phê chuẩn, thì mình bắt đầu làm việc với nhà thầu và tiến hành xây dựng.
Năm 2009, Food Lion có CEO mới, thay đổi lớn về mặt nhân sự, thay đổi 180 độ về chiến lược phát triển thị trường. Nói tóm lại, những dự án mà chúng tôi bỏ mồ hôi nước mắt và tiền bạc làm “proposal” trong ba năm qua… tan tành mây khói. Hơn thế nữa, “business model” (mô hình kinh doanh) và những mối quan hệ mà chúng tôi xây dựng hoàn toàn bị phá vỡ.
Chúng tôi đã từng nghĩ rằng đây chắc là sự kết thúc của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, sự phá vỡ đó lại thúc đẩy một cách nhìn hoàn toàn mới, chuẩn bị cho chúng tôi sẵn sàng với một trận chiến đấu mới.
Vì hoàn cảnh, một ý nghĩ chợt lóa lên: Tại sao mình phải lúc nào cũng lệ thuộc vào “anchor”? Tại sao lúc nào cũng phải chờ ba năm? Chính lúc này ông xã tôi bắt đầu thử nghiệm mô hình nhỏ- nhanh. Chúng tôi xây trung tâm thương mại nhỏ hơn mà không có cửa hàng “anchor”. Và chúng tôi xây dựng trung tâm có vị trí nằm bên trái, bên phải, đối diện với trung tâm có “anchor” của người khác. Trung tâm nhỏ với những cửa hàng nhỏ với thời gian khoảng 8 tháng vừa tìm đất, vừa tìm khách hàng cho thuê, vừa xây dựng.
Vất vả? Có. Học hỏi được gì không? Vô vàn. Cảm thấy thế nào? Phấn khích. Vì sao? Đến ngày hôm nay doanh nghiệp mình vẫn tồn tại, mạnh mẽ vì được luyện nhiều môn “võ nghệ”. Trày sướt nhiều… nhưng trở nên dẻo dai và mạnh mẽ hơn nhiều —ai tấn công kiểu karate mình đỡ karate; ai thích jujitsu thì chơi theo kiểu jujitsu; taekondo hay aikedo hay judo… mình đểu không bị tấn công bất ngờ. Lúc trước chỉ có biết một món, nên không có đất dụng võ đó… là mình hụt hẫng. Nếu vẫn còn theo lối cũ mà chờ đợi hội đồng xét duyệt trong ba năm thì mình cũng đã phá sản từ lâu vì không đủ nhạy bén bắt kịp với xu hướng mới.
Khuynh hướng “anchor”, “ big box” (những cửa hàng bán lẻ lớn) đã chết dần ở Mỹ. Trước mắt tôi hàng ngày diễn ra sự ra đi mãi mãi của những công ty, tập đoàn khổng lồ, đặc biệt là trong nghành bất động sản thương mại (commercial real estate). Công ty mình tuy nhỏ, nhưng linh động và dẽo dai nên mình vẫn còn sống và phát triển. To lớn nhưng ì ạch, quan liêu và chậm thay đổi lại càng bị triệt tiêu nhanh hơn bao giờ.
TPP ảnh hưởng đến những tập đoàn lớn… Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không chịu tác động quá nhiều. Dù có TPP hay không, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải sẵn sàng. Dù muốn hay không, đây là lúc chúng ta luyện tập và sẵn sàng trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta sẽ phải năng động, liên tục đổi mới và hội nhập với thế giới. Tôi tin vào tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt và tính năng động của doanh nghiệp Việt Nam.
Lan Bercu
Tác giả “36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại”
Nhà sáng lập LanBercu TV