Chậm là suôn sẻ, suôn sẻ là nhanh

Ngày trước tôi đi học Tennis thường bị thầy mắng là làm sai động tác vì tội đánh nhanh. Khổ nỗi đánh chậm thì lộ sai kỹ thuật mà sửa thì lâu được đấu tập nên tôi cứ thích làm cái “vù” cho xong. Lâu dần kỹ thuật càng ngày càng kém nên tôi ít chơi Tennis.

Đi dạy, quan sát mới thấy cũng rất nhiều người giống mình. Vừa đưa ra đề tài thảo luận là các bạn học viên đã nhẩy ngay vào tranh luận – tuy là tôi đã yêu cầu các bạn bầu trưởng nhóm, người nhắc thời gian và thời gian thảo luận. Kết quả đội nào tỉnh táo thảo luận có cấu trúc thì khi hết giờ có một bài hoàn chỉnh theo yêu cầu. Một điều đơn giản nhưng hiệu quả mà tôi học từ một trong những người thầy của tôi là làm việc có cấu trúc – sau này làm việc với các bạn nước ngoài nguyên lý này càng thể hiện rõ. Tất cả vấn đề dù phúc tạp đến đâu nếu cách bạn chậm lại một chút và nhìn vấn đề có cấu trúc thì sẽ đơn giản đi rất nhiều. Đơn giản thì sẽ dễ ra quyết định.
Quay lại vấn đề chậm mà nhanh, tôi cũng theo trào lưu khởi nghiệp quyết định hướng đi riêng. Ngày mới đầu tinh thần khởi nghiệp họp bàn đêm ngày không thấy chán, các vấn đề quyết rất nhanh – có founder can ngăn nhưng tôi vẫn quyết đoán “Vù Vù”. Đến một ngày đẹp trời công ty có nguy cơ vỡ ngân sách. Hỡi ôi, toàn những cao thủ tài chính, lập kế hoạch trên một trang giấy mà lại rơi vào chính cái hố do mình đào ra. Anh em lại họp bàn tái cấu trúc và chỉ tập trung vào cốt lõi của mình.

Hôm nay đọc lại Nguyên lý 13 của TPS “ra quyết định không vội vã thông qua sự đồng thuận và xem xét kỹ lưỡng mọi khả năng, rồi nhanh chóng thực hiện (nguyên tắc nemawashi) lại càng thấm thía. Cái câu “3 giờ mài rìu chặt cây 1 giờ” nói rất dễ mà làm lại khó. Nhất là trong tổ chức/doanh nghiệp. Để làm được thì phải tự mình cam kết, tự mình đau đáu để chuyển hoá thành tư tưởng, thành hình mẫu và lan toả thành văn hoá công ty.

Thế mới biết để làm được cái lẽ tự nhiên “chậm là suôn sẻ, suôn sẻ là nhanh” không phải dễ.

Bùi Đỗ Mạnh – Gr QTvKN

About

Trả lời

error: Content is protected !!