Du hạc sinh và vấn đề chuối hóa

Du hạc xong, trong đầu bất cứ du hạc sinh nào cũng xuất hiện câu hỏi ở hay về. Tất nhiên du hạc ở đây là 4-5 năm trở lên, quen hết đường đi nước bước, ngôn ngữ, văn hóa… bản địa, chứ hẻm phải 12 tháng hay 24 tháng hay tại chức đi đi về về kiểu ông tổng biên tập, vừa chuẩn bị quen biết từng hàng cây góc phố ở Luân Đôn, Pa Ri, Niu Ót, Sít Ni, Meo Bềnh, Am Tẹc Đam… thì chương trình đã xong. Các chương trình này thật ra là một cách xuất khẩu giáo dục của các nước, họ muốn lấy tiền và ta muốn mua bằng, nên cứ đến hẹn lại lên, chương trình 12 tháng để xong một cái master thì họ cấp visa đúng 12 tháng. Nên phải về. Hạc yếu cũng cho về. Cũng vì thế nên dù mình viết sai tè le, mấy thầy vẫn châm chước cho qua. Kiểu Liên Xô và Đông Âu ngày xưa, viết sai một chút chẳng sao, cho qua hết để các bạn lấy xong cái Phó Tiến Sĩ, về nước lẹ để tham gia quánh Mỹ.

Nhóm này thường đã đại hạc ở Việt Nam rồi, mới đi làm thạc sĩ ngoại, hay cử nhân liên thông hai năm ở Việt Nam hai năm ở bển. Kiếm cái Tóp phô 80 hay cái Ai Eo 5.5 trở lên là đi. Thật ra ở bên kia chứ cũng suốt ngày lên mạng đọc báo Việt Nam. Toàn quan tâm những gì diễn ra bên dải đất hình chữ S. Thậm chí một nhóm đâu cả chục bạn cùng sang, cùng thuê một nhà, cùng hạc một trường, một lớp. Vào giờ thảo luận tụm nhau ngồi một góc, bày đặt nói tiếng Anh một lúc ông thầy vừa xách đít đi là chuyển qua nói tiếng Việt cho phẻ. Ở nhà cũng thay nhau nấu bún bò Huế, mắm tôm mắm ruốc kho lên nghi ngút, cũng mở tivi VTV3 qua máy vi tính coi cười ha hả. Nhóm này về nước thường thành công vì văn hóa Việt Nam không quên mấy. Nên hòa nhập tốt. Vẫn lái xe máy chạy ầm ầm, vẫn quan niệm đèn vàng là dấu hiệu tăng tốc trước khi đèn đỏ. Gặp áo vàng vẫn biết lốp bi lốp biếc. Nên xin việc có job ngon lành, đi đâu gặp, ai nấy đều nể với khả năng nói ngoại ngữ nhanh. Và cũng hay nói, hồi tôi ở bển… (Ông Tổng biên tập là một ví dụ)

Còn nhóm 4, 5 năm trở lên, thường thì họ sang từ lúc 18 tuổi, hạc cử nhân, có thể hạc thêm hạc hoài đến tiến sũy. Trải qua cuộc sống sinh viên, đâu được 3-4 năm là bắt đầu hòa nhập với xã hội bên kia. Sau chục năm thì gần như người bản xứ, chỉ có điều phát âm còn cứng, nghe kỹ vẫn nhận ra, chỉ có nhóm qua trước 15 tuổi thì nói bẻ miệng được y chang như Mỹ thiệt. Nên nếu muốn con cái làm việc ở Mỹ thì cho qua từ lớp 10 là OK. Nhưng đi sớm cũng có bất lợi là nó hẻm có tình cảm nhiều với cha mẹ, anh em, không có văn hóa Việt như mấy đứa qua sau. Dù sao việc hạc 3 năm cấp 3 ở Việt Nam cũng hình thành tính cách Việt hơn. Nó vẫn khóc ngon lành khi nghe Cẩm Ly ca bài Ru Lại Câu Hò. Còn thế hệ mà qua Mỹ từ nhỏ hay sinh ra ở Mỹ, người ta gọi là thế hệ chuối, banana generation, bên trong màu trắng bên ngoài màu vàng, tức màu da thì vàng nhưng suy nghĩ hành động gì đều y chang người da trắng. Nhóm này nghe nhạc Mỹ, ăn hamburger hay fastfood, không thèm ăn ốc và hột vịt lộn, mỗi lần kêu tụi nó ăn thì tụi nó chỉ nói give it a try. Và hơi ngây ngô kiểu Mỹ trắng, không có sâu sắc, thâm thúy như người Tàu hay người Việt trong nước.

Có anh bạn, ra đi từ năm 18 tuổi, vừa hạc vừa làm gần 20 năm, không về nước lần nào, kiếm ăn cũng khá và là tiến sĩ kinh tế. Kinh nghiệm thương trường dạn dày. Gót giày gõ mòn hết ở mọi góc phố tài chính thế giới. Anh tự hào về bản lĩnh kinh doanh và vốn sống của mình lắm. Cơn sốt nào cũng trải qua. Bong bóng nào cũng dự đoán được. Bỗng dưng một ngày lòng thấy buồn, muốn đem cục tiền về nước đầu tư làm ăn, vừa giúp quê hương và một phần cũng vì bên Mỹ giờ cũng khó mần. Gặp anh ở quán phở Lê chỗ Harvard Square, Tony cản, nói thôi anh, về nghỉ ngơi ăn hột vịt lộn ăn ốc cho vui đi chứ làm cái gì, anh chuối hóa mất rồi, về làm ăn khó lắm. Ảnh trề môi, nói mày cứ coi thường anh, cái đầu đầy sạn như thế này, anh không ừa ai thì thôi chứ đứa nào lừa được anh. Nửa đêm anh vừa xuống sân bay, đã một thằng taxi nó chém đẹp. Nó chở từ Tân Sơn Nhất về hotel ở Quận Bình Thạnh mà đâu 2-3 tiếng đồng hồ, anh nói sao nó chở tao đi lòng vòng, chở tao đi qua Thủ Thiêm, rồi tới Thủ Đức, rồi tới Thủ Thừa, Thủ Dầu Một… toàn Thủ là Thủ. Đầu tiên tao mải coi quê nhà đổi mới thấy thích thú, một hồi tao thấy sợ. Nhớ đâu có xa vậy, cái tao bắt đầu thủ… võ. Lỡ tâm sự với nó là 20 năm anh chưa về quê và đang đem tiền về nước đầu tư. Tony nói cũng may cho anh, chứ nó đưa anh ra bãi đất hoang rồi… thủ tiêu, không thì kéo đồng bọn gái đẹp dàn cảnh mát xa… thủ zâm là toi đời trai anh rầu. Cuối cùng anh cũng về được khách sạn ở Bình Thạnh với hai triệu tiền cước. Anh nói, đúng là về Việt Nam, mới thật sự là hạc. Anh vốn thích hạc.

Rồi anh tham gia vào thị trường chứng khoán, quánh lên quánh xuống cắt lỗ chốt lời khí thế, đòn bẩy đòn biếc gì anh cũng áp dụng, các định luật quy tắc gì anh cũng lôi ra. Cuối cùng, anh thất bại cay đắng, nói sao chứng khoán ở xứ mình lạ quá, chưa có trong lịch sử chứng khoán thế giới nên anh phán đoán hẻm được, nhưng vui mừng vì có thêm bài hạc. Rồi anh đầu tư mua bất động sản, phân tích đạo hàm ghê lắm, giá cứ đáy là anh mua, vì đáy rồi sẽ lên theo đồ thị hình sin, ai ngờ ở thị trường của ta có thêm khái niệm “thủng đáy”. Hay “phá vỡ đáy cũ, tạo lập đáy mới”, rồi nó bất động như chính tên gọi của nó, anh được thêm bài hạc. Số tiền cuối cùng còn lại, anh hùn hạp làm ăn với ông anh họ, chén chú chén anh thề thề thốt thốt, rồi tan vỡ, cãi lộn như giặc, không nhìn mặt nhau… anh lại có thêm bài hạc. Sau hai năm, anh thất thểu trở về nước Mỹ mến thương, với 0 đồng và một sấp các bài hạc. Cái mặt méo xẹo, dài như cái bơm và cái quần đùi lò xo tới háng.

May mà còn có cái che thân. Ai biểu 20 năm trời hẻm về nước chi cha nội!

About

Trả lời

error: Content is protected !!