Nhưng đêm đó, Tony nằm mơ. Trong mơ Tony thấy mình đang đi lạc vào một khu rừng. Qua một cánh rừng um tùm và nhiều dây leo, bỗng nhiên xuất hiện trước mặt một hồ nước trong veo. Trên hồ nước, có một chiếc thuyền câu nho nhỏ. Một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi câu cá. Tony mới tiến lại và lội nước ra thuyền, tự nhiên mình thấy chiếc thuyền xa dần xa dần. Tony lội một lúc thì nước ngập đầu nên cố bơi. Nhớ là bơi nhiều lắm, hồ nước rộng mênh mông và bắt đầu có sóng. Tony uống mấy hơi và mằn mặn, mới hay mình đã bơi ra biển rồi. Bơi miết bơi miết, gần như kiệt sức thì cũng bám được vào mạn thuyền và leo lên. Ông già bèn bất cất tiếng hỏi: “How are you, Tony?”
Trời, ông già này nói tiếng Anh nữa. Cái Tony hoảng hồn, trả lời liền: “Oh you know my name?” Rồi nói qua nói lợi, trong một cái conversation giống như hội thoại cuốn Streamlines một ấy. Chỉ nhớ là Tony nhìn vào giỏ cá của ông, thì thấy toàn đô la Mỹ trong đó, chẳng thấy cá đâu. Rùi giật mình thức giấc, ngủ lại không được. Hình ảnh mình cố bơi theo con thuyền đánh giá, và ra đến biển lớn, thấy giỏ tiền đô la… trong đầu Tony bỗng dưng xuất hiện ý nghĩ. Điềm báo. Phải. Mình phải xuất khẩu mới được, mắc mớ chi ngụp lặn trong nước cho mệt. Thế giới bên ngoài có đến 6-7 tỷ người và hơn 200 quốc gia, tha hồ mà kiếm tiền về. Bao nhiêu người dân Việt vất vả, suốt ngày cặm cụi may vá. Bao nhiêu bà con cô bác suốt ngày cặm cùi phơi nắng phơi sương trên đồng, để tạo ra bao nhiêu sản phẩm mà thế giới đang cần. Nhưng họ có điều kiện bán ra ngoài đâu. Mình có ngoại ngữ, có tuổi trẻ, tại sao không thử. Mình sẽ phải đi buôn quốc tế. Các bạn trẻ biết ngoại ngữ nhớ nhé, mình phải xuất khẩu để đem ngoại tệ về giúp cá nhân, gia đình và dân tộc mình giàu có hơn. Học ngoại ngữ bao nhiêu năm làm gì mà không nói được để lấy tiền của tụi Tây tụi Tàu, không rao bán bao nhiêu sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới?
Nói đoạn, ngồi dậy. Lúc đó đã 3-4 giờ sáng, nhưng trời vẫn còn tối lắm. Tony xuống nhà bếp, định pha ly cà phê uống suy nghĩ tiếp thì bỗng dưng, nhìn qua lớp kính trên cửa sổ, thấy một con rắn bò qua và rơi về phía sân trước. Con Ki (con chó của Tony nuôi) sủa loạn xị. Tony mới mở ra cửa trước nhìn, thì không còn thấy gì cả. Chỉ có con Ki vẫy đuôi và vui vẻ với Tony như chẳng có chuyện gì xảy ra.
“Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về” – những người đi rừng hay nói câu đó. Như Doanh Chính Tần Thủy Hoàng với câu chuyện gặp rắn ở lễ tế sông mà làm nên nghiệp đế, khi bắt đầu một cuộc phiêu lưu trên đường công danh, gặp rắn là điều may mắn lắm. Tony biết vậy nên vội mừng, mới lên internet. Search những chữ như “find buyer of… in Bangladesh”, chẳng hạn, hòng tìm ra các người mua hàng nông sản hay sản vật của Việt Nam. Rồi gửi mail đi giới thiệu. Một ngày Tony viết và gửi mấy trăm cái mail. Thức từ sáng đến đêm để search và gửi. Nhưng cả 2-3 tuần trôi qua, hộp thư inbox chỉ trống rỗng, hay toàn các email bị trả về do địa chỉ email bị sai hay cũ quá họ không dùng nữa.
Đang chán nản thì một hôm, nhận được email của Mr Johnson bên Mỹ. Ổng nói tao thì về hưu rồi, không còn làm ngành xuất nhập khẩu nữa, nhưng nhận cái email của mày, tao định xóa đi nhưng thôi cũng đọc thử, dù sao Việt Nam cũng là nơi tao từng trải qua một thời gian trong cuộc chiến. Tao đọc và thấy trong đó là cả sự tâm huyết và sự chân thành. Nên tao sẽ giúp mày. Tuần sau tao có dịp sang Việt Nam, tao sẽ ghé thăm công ty mày.
Ngồi đọc mail ông Johnson mà tay chân bủn rủn cả. Một cảm giác thành tựu lâng lâng trong người. Dù, xung quanh vẫn chỉ là cái máng lợn và số tiền mượn mọi người để tiêu xài và đầu tư cho công việc đã lên tới cả chục triệu…
Bỗng dưng những giọt nước mắt nóng hổi, từ hai hốc mắt sâu hoắm vì thức đêm, trào ra. Lăn dài trên gương mặt…